Quảng Ninh: Chính quyền tự ra quy định ''đặc thù''?

Với lý do, Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên cả thế giới chỉ có một, và để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, bảo vệ hình ảnh của Vịnh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số văn bản pháp luật để quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trong đó có một số quy định theo cơ chế “đặc thù riêng” của tỉnh dù chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Đó là Quyết định 3625/QĐ – UBND ngày 16/11/2015 có nội dung:“Đối với các trường hợp SGTVT đã đồng ý cho phép đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế sau thời điểm 18/3/2015 đang triển khi thi công: Yêu cầu SGTVT báo cáo UBND tỉnh xem xét từng trường hợp để giải quyết, chỉ cho vận chuyển khách du lịch, không cấp phép cho tàu ngủ đêm” và Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 quy định tạm thời về quản lý hoạt động tầu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có nội dung:“Tàu vỏ gỗ hoạt động đủ 15 (mười lăm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới và tàu vỏ sắt hoạt động đủ 25 (hai nhăm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới không được vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.” hay“ Đối với tàu đóng mới, sửa chữa lớn (chu kỳ kiểm tra 5 năm) phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước và tối thiểu 01 bình bột MFZ4 hoặc MFZ2 (ABC) cho các phòng ngủ của tàu”.
Ngay sau khi các văn bản này được ban hành đã gây bức xúc cho hàng trăm doanh nghiệp và làm “nóng” dư luận vì các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vi hiến, trái luật, thiếu nhân văn và đang bóp chết các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Lập tức, các doanh nghiệp đã đồng loạt có đơn kiến nghị và một số cơ quan báo chí vào cuộc nêu rõ những nội dung trái pháp luật mà chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã vi phạm. Đó là việc “bắt” tàu tham quan vỏ sắt, vỏ gỗ phải “chết sớm” hơn so với quy định của Chính phủ tại Nghị định 111/2014/NĐ – CP ngày 20/11/2014 từ 5 năm đến 10 năm (chưa kể niên hạn sử dụng được kéo dài theo quy định tại Điều 13 Nghị định này) và “bắt” các con tàu lưu trú đã đầu tư nhiều tỷ đồng phải thay đổi kết cấu để lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn vượt thẩm quyền, thiếu hiểu biết thực tế. Đó là việc, chính quyền không cấp phép ngủ đêm cho tàu lưu trú dù trước đó đã được Sở Giao thông vận tải đồng ý cho phép đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế sau thời điểm 18/3/2015.
Nhận lời mời tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ tàu du lịch, Văn phòng luật sư (VPLS) chúng tôi nhanh chóng vào cuộc làm việc với các cơ quan hữu quan, đồng thời hướng dẫn các chủ tàu kiến nghị đến các cấp thẩm quyền giải quyết vụ việc. Mặt khác, VPLS liên hệ với Tiến sỹ Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp nhờ giúp đỡ, và thông qua Ông chuyển các đơn thư, văn bản kiến nghị đến Cục kiểm tra văn bản. Bởi Tiến sĩ được báo giới mệnh danh là “ông tuýt còi” và là người luôn quan tâm, có kinh nghiệm xử lý các văn bản trái luật để giúp đỡ doanh nghiệp, người dân.
Sau khi nhận được đơn thư, văn bản kiến nghị của hơn 30 doanh nghiệp do Tiến sỹ Lê Hồng Sơn chuyển đến, Cục kiểm tra văn bản đã nghiên cứu, xem xét. Và ngày 25/02/2016 Cục kiểm tra văn bản đã tổ chức một cuộc họp tại Bộ Tư pháp với sự tham gia của nhiều Bộ, Nghành và các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp nhằm phân tích làm rõ và đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật nói trên.
Theo thông tin nhận được, là tại cuộc họp, tất cả các đại diện tham gia đều thống nhất cho rằng, Quyết định 3625/QĐ – UBND ngày 16/11/2015 và Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 có nhiều nội dung vừa vi hiến, vừa trái các Luật và trái các quy định của Chính phủ, của các Bộ. Các ý kiến đều cho rằng, UBND tỉnh Quảng Ninh cần phải xử lý, hủy bỏ ngay các nội dung sai trái của hai quyết định này.

Ông Nguyễn Văn Đực: BĐS méo mó vì đám đông adua

PV: - Trong khoảng 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến nhiều làn sóng đầu tư ào ạt: cùng xin đất xây chung cư, cùng xây nhà cho phân khúc trung và cao cấp, cùng bỏ rơi nhà cho thuê giá rẻ và nhà cho người thu nhập thấp, và cùng... ngắc ngoải vì bong bóng bất động sản. Thưa ông, có thể lý giải tâm lý đám đông tồn tại trong cả chục năm như trên như thế nào? Đây có phải là quy luật chung của việc phát triển thị trường bất động sản ở các nước khác hay không?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Hiệu ứng đám đông có trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, xã hội..., ở đó một số người nêu ra vấn đề gì đó thuyết phục được, thậm chí mê hoặc được đám đông làm theo hướng đó. Hiệu ứng đám đông kích thích cái lợi trước mắt của từng người. Điều này thể hiện rất rõ ở lĩnh vực bán hàng đa cấp, một loại hiệu ứng đám đông đỉnh cao. Giá trị của các món hàng quá cao nhưng người ta nghĩ rằng khi mua vào và bán được hoặc tuyên truyền cho người khác mua, thuyết phục nhiều người cùng làm như họ thì họ sẽ có nhiều lợi ích. Chính vì mối lợi lớn này nên người ta giẫm đạp lên người khác, lôi kéo người thân, anh em, họ hàng tham gia vào cái bẫy này.
Bây giờ cũng như cách đây bao nhiêu năm, bất động sản Việt Nam đều đi theo hiệu ứng đám đông đó. Mà không riêng gì Việt Nam, ngay cả Mỹ, Nhật, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... cũng bị hiệu ứng đám đông làm cho điêu đứng, bong bóng bất động sản vỡ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế các nước này, tiêu biểu như nước Nhật bị ảnh hưởng tới 20 năm.
Như vậy, hiệu ứng đám đông xảy ra khắp nơi trên thế giới và thể hiện nhiều trong lĩnh vực bất động sản bởi đây là tài sản, mối lợi rất lớn. Những năm trước hễ ai có tiền cũng mua căn nhà để dành, vài năm sau thấy có lãi thì người người mua nhà, kể cả phải vay mượn của bạn bè, người thân, ngân hàng... Đến khi nhà nhà đua nhau mua thị trường bất động sản đổ vỡ.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chạy theo lợi nhuận, những căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ thì ít, còn những căn hộ lớn, cao cấp giá vài tỷ đồng thì người ta đua nhau làm để kiếm lời. Điều này dẫn đến hiện tượng thị trường thừa mứa những căn hộ cao cấp giá cao mà thiếu hẳn những căn hộ trung bình và hoàn toàn không có căn hộ giá thấp, đi ngược với cung-cầu, dẫn đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản năm 2007-2008.
Điều đó cho thấy hiệu ứng đám đông không chỉ xuất phát từ phía khách hàng mà còn ở cả phía chủ đầu tư cũng chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không nghĩ rằng mình cần phục vụ cho người dân với mức sống trung bình, thấp những căn nhà giá rẻ.
Đó là tình trạng của thị trường bất động sản trước đây và bây giờ cũng bắt đầu le lói lại hiệu ứng đám đông. Tuy nhiên, khác với trước đây, bây giờ không chỉ là một vài ngàn căn hộ cao giá nữa mà riêng TP.HCM dự kiến có khoảng 60.000 căn hộ cao cấp, giá 3-4 tỉ đồng/căn sẽ được tung ra vào khoảng năm 2017 – 2018. Với số lượng căn hộ cao cấp lớn như vậy, nguy cơ thị trường sẽ không hấp thụ nổi, là rủi ro cho các nhà đầu tư cũng như thị trường. Ở đây có cuộc cạnh tranh khốc liệt về tài chính, nhân lực, phương thức bán hàng... Trong trận chiến này, nếu một đại gia nào sẩy chân thì thất bại cho cả doanh nghiệp đó, có thể kéo theo cả thị trường và ngân hàng. Có những dự án bất động sản chết trong tay ngân hàng và nó thành thứ nợ xấu quá lớn.
PV: - Khuynh hướng chạy theo đám đông của nhà đầu tư Việt Nam có tác động như thế nào tới sự phát triển của thị trường bất động sản, theo ông? Liệu đó có là nguyên nhân khiến việc thành bại trong kinh doanh của các nhà đầu tư bất động sản trong một thời gian dài phụ thuộc vào bôi trơn, quen biết... chứ không phụ thuộc vào năng lực kinh doanh của họ hay không? Xin ông phân tích cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Đực: - Khi xảy ra hiệu ứng đám đông, thị trường sẽ bị méo mó. Nguồn cung bất động sản là nguồn cung ảo, không phải là nguồn cung thực sự cho người mua để tiêu dùng mà cho những người mua đi bán lại, và rất có thể thị trường lặp lại những cái bẫy cũ năm 2007-2008. Như đã nói ở trên, thời gian tới TP.HCM chuẩn bị tung ra 50.000-60.000 sản phẩm hàng tỷ đồng trong khi những căn hộ dưới 1 tỷ đồng ngày càng khan hiếm, còn những căn hộ chừng 500 triệu đồng thì từ trước đến giờ không có.

Vinhomes Dragon Bay - Khu đô thị đầu tiên của Vingroup bên Vịnh Hạ Long

Vinhomes Dragon Bay là mô hình kết hợp 3 trong 1 giữa nhà ở, thương mại và nghỉ dưỡng, hứa hẹn trở thành mô hình mới, tiếp tục dẫn đầu xu hướng của bất động sản ven biển Việt Nam trong tương lai.
Dự án Khu đô thị biển Vinhomes Dragon Bay tọa lạc tại đường Bến Đoan, phường Hồng Gai, trung tâm TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Dự án có phía Đông tiếp giáp Núi Bài Thơ và Phố Bến Đoan, giáp UBND Thành phố, phía Tây Bắc là đường Lê Thánh Tông, và phía Tây Nam được bao quanh bởi biển Hạ Long. Với vị thế đắc địa “lưng tựa núi Bài Thơ, phía trước mặt hướng thẳng ra Vịnh Hạ Long”, điểm nối của các tuyến giao thông huyết mạch như: sân bay Vân Đồn, cảng biển thông thương các tuyến đường quốc tế - Vinhomes Dragon Bay hội tụ ý nghĩa may mắn, mang lại sự thịnh vượng cho các cư dân tương lai.
Dự án có tổng diện tích 68,35 ha bao gồm khu phức hợp nhà ở, khách sạn và điểm nhấn là khu nhà phố thương mại (shophouse) với 380 căn shophouse độc đáo. Nằm trong 3 phân khu là Phú Gia, Hoàng Gia và Mỹ Gia, các căn shophouse có mặt tiền rộng từ 6m – 9m, diện tích từ 90 m2 đến 189 m2. Mỗi căn gồm 4 tầng với tầng 1 của căn nhà phù hợp cho nhu cầu kinh doanh, từ tầng 2 trở lên là không gian sinh sống của gia chủ.
Được tư vấn thiết kế bởi các đối tác uy tín hàng đầu thế giới Humphreys and Partners (Mỹ) và West Green Design (Canada), Vinhomes Dragon Bay sẽ có vẻ đẹp độc đáo, sang trọng kết hợp giữa kiến trúc neo-classic và cảnh quan tuyệt mỹ của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Từ Vinhomes Dragon Bay, cư dân cũng được chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long, cầu Bãi Cháy, và toàn cảnh thành phố; đồng thời được tận hưởng bầu không khí “nghỉ dưỡng” trong lành, tươi mát từ biển.
Bên cạnh tầm nhìn độc đáo, Vinhomes Dragon Bay còn mang đến cuộc sống thời thượng và đẳng cấp cho cư dân với hệ thống cảnh quan, tiện ích gồm quảng trường, hệ thống sân thể thao, sân chơi trẻ em, đài phun nước, các khu vườn tiểu cảnh, phố đi bộ độc đáo, khu giàn hoa nghỉ chân, thảm cây nghệ thuật...
Đặc biệt, nằm trong quần thể khu đô thị biển này là Quảng trường mang phong cách châu Âu được xây dựng trên diện tích 5.453 m2, thiết kế cổ điển, lãng mạn và sang trọng với điểm nhấn là quảng trường nước có diện tích 429,3 m2, chạy dài hướng ra phía biển. Đây sẽ là cảnh quan nhân tạo tuyệt mỹ bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, hứa hẹn là “điểm đến” cho cư dân và du khách tới Quảng Ninh.
Là dự án khu đô thị biển đầu tiên của Vingroup tại Hạ Long, Vinhomes Dragon Bay hội tụ các giá trị đỉnh cao cho cuộc sống “an cư thịnh vượng” và giao thương sầm uất.
Nhân dịp ra mắt, chủ đầu tư Vingroup công bố chương trình ưu đãi đặc biệt. Theo đó, khách hàng khi đặt mua Nhà phố thương mại (Shophouse) tại dự án Vinhomes Dragon Bay sẽ được hỗ trợ vay vốn tới 70% giá trị căn hộ với lãi suất 0% trong vòng 12 tháng; được miễn 01 năm phí quản lý và đặc biệt, 30 khách hàng đặt mua đầu tiên còn được tặng 02 thẻ Bảo hiểm sức khỏe Vinmec Health Platinum tại chuỗi Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec dành cho 02 người lớn trong vòng 2 năm.

Liệu có thể bán tiền ảo để mua vàng?

Từ sau tết đến nay, những người môi giới tiền ảo liên tục tổ chức các buổi hội thảo tại TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu… để chiêu dụ mọi người tham gia.
Điều đáng nói là không chỉ công khai kêu gọi mua bán, tham gia đầu tư “kiếm bạc tỉ mà không cần làm gì”, dân môi giới tiền ảo còn thuyết phục mọi người rằng sau khi bán tiền ảo có thể mua vàng thật bốn số 9 ở nước ngoài mang về Việt Nam. Chính điều này khiến ngày càng có nhiều người lao vào chơi tiền ảo.
Tung chiêu mới dụ khách
Tại một buổi hội thảo về tiền ảo ilcoin diễn ra ngày 26-1 tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), một người tự xưng là “diễn giả” tên Hoàn cho rằng đầu tư tiền ảo không sợ rủi ro. Hơn nữa giá trị của đồng tiền ảo như bitcoin, onecoin đã được chứng minh là liên tục tăng mạnh. Nhờ đó nhiều người đã trở thành triệu phú, tỉ phú.
Đặc biệt ngay cả khi nếu đồng tiền ảo ilcoin không tăng giá đi chăng nữa cũng đã có vàng thật đảm bảo!
Nghĩa là khi mua đồng tiền ảo ilcoin, nhà đầu tư khi cần có thể bán để lấy tiền thật. Trong trường hợp nếu không muốn lấy tiền thật thì nhà đầu tư có thể lấy vàng từ nước ngoài mang về Việt Nam với giá trị quy đổi tương đương.

“Với vàng thì nhà đầu tư không cần phải có kiến thức chuyên sâu. Đơn giản vàng phù hợp để tích trữ như tài sản trong gia đình, thanh khoản cao và vàng cũng không bao giờ lỗi thời, lại có thể bán bất cứ khi nào” - vị tự xưng là “diễn giả” này nhấn mạnh.
“Đang gửi vàng tại Mỹ”
Nhưng làm cách nào để đem vàng từ nước ngoài về Việt Nam? Trả lời thắc mắc này của một số nhà đầu tư, những người môi giới dẫn chứng vừa qua một trong số các thủ lĩnh của tiền ảo ilcoin tại Việt Nam đã bán tiền ảo. Sau đó người này quy đổi ra USD, rồi tiếp tục quy đổi USD ra vàng, nghĩa là bán tiền ảo để mua vàng thật. “Hiện nay vị thủ lĩnh tiền ảo này đã mua được vàng và đang gửi tại Mỹ” - một người môi giới nói.
Theo quan sát của chúng tôi, tại một số hội thảo về tiền ảo, để thuyết phục khách hàng tin tưởng hơn, những người môi giới nói rằng hiện nay Việt Nam chưa cho phép nhập vàng có được từ đầu tư tiền ảo về ngay. Nhưng đừng lo lắng vì “Công ty” Ilcoince đã ký hợp đồng với một công ty vàng tại Việt Nam và cũng đã làm việc với luật sư giỏi nhất Việt Nam để xin phép kinh doanh vàng miếng tại Việt Nam.
“Do vậy, trước tiên người chơi tiền ảo sẽ nhận được bảo trợ của một công ty nhập khẩu vàng có giấy phép nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đến khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực thì sẽ không còn trở ngại gì về vấn đề nhập khẩu vàng từ nước ngoài vào Việt Nam” - một người môi giới tên H. khẳng định.
Nguy hiểm, ảo tưởng
Ông Dương Anh Vũ, Phó phòng Phân tích tư vấn thuộc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), nhìn nhận không ít người tham gia đầu tư vào tiền ảo vì nghĩ rằng có thể sinh lợi lớn, nhanh và không phải làm gì. Chính vì yếu tố có thể mang lại siêu lợi nhuận mà không phải làm gì đã đánh vào lòng tham của người tham gia. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng.
“Hiện nay các buổi hội thảo về tiền ảo đang được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành để chiêu dụ người chơi và điều này rất nguy hiểm khi nhiều người tham gia” - ông Vũ cảnh báo.
Cũng theo ông Vũ, với việc đầu tư tiền thật mua tiền ảo rồi chờ tăng giá, bán để kiếm lời và từ tiền lời đó mua vàng vật chất trên thế giới mang về Việt Nam lại càng ảo tưởng hơn.
Ông Vũ nhấn mạnh: “Tôi khẳng định rằng việc đem vàng từ các nước về Việt Nam là điều khó xảy ra. Bản thân việc mua tiền ảo đã là rủi ro rất cao vì có thể mất bất cứ lúc nào. Nay còn tung ra chiêu chơi tiền ảo rồi mang vàng miếng trên thế giới về Việt Nam thì nguy cơ rủi ro là 100%. Ngay cả khi TPP chính thức có hiệu lực cũng không có chuyện vàng được chuyển về Việt Nam. Điều đó là hoang đường”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, khẳng định theo quy định của Chính phủ, hiện nay Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Chính phủ cũng giao cho NHNN thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định.
Mục tiêu của quy định trên là để ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu cũng như tạo điều kiện để kiểm soát vàng nhập lậu, góp phần ổn định tỉ giá, thị trường ngoại tệ...
Ông Minh cũng khẳng định đến nay các ngân hàng thương mại không chấp nhận hay cho phép sử dụng tiền ảo. Tiền bitcoin, onecoin hay ilcoin đều không phải là tiền tệ, không phải là hàng hóa và không được chấp nhận ở Việt Nam. Tiền ảo không được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
Sập bẫy vì muốn “tôi phải là người đi trước”
Đối với kinh doanh tiền ảo, giá trị ban đầu của đồng tiền ảo bị đẩy lên cao khi có nhiều người tham gia. Điều này tạo sự khan hiếm vì số lượng tiền ảo được tạo ra luôn có hạn và người tham gia bị thúc đẩy bởi tâm lý “tôi phải là người đi trước”.
Càng có nhiều người muốn mình là người đi trước thì sẽ lại càng có nhiều người tham gia. Đến lúc giá trị ảo tăng quá cao và hoàn toàn thoát ly khỏi giá trị thật thì nhà đầu tư mới nhận “trái đắng”.
Thế nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư có tâm lý “kiếm tiền dễ dàng” nên vẫn lao vào tiền ảo bất chấp rủi ro.
TS HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia kinh tế
Chị H., một thành viên tự giới thiệu đang đầu tư vào tiền ảo, khoe chỉ cần bỏ tiền thật vào tiền ảo là có siêu lợi nhuận. Thậm chí từ việc chơi tiền ảo mà có tiền thật để mua xe hơi... Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), kinh doanh tiền ảo thì chỉ là giá trị ảo. Sẽ không bao giờ có chuyện giá trị ảo mang lại lợi nhuận lớn, ổn định, lâu dài. Khi mất tiền người đầu tư mới bừng tỉnh, thấy mình bị mất tiền oan, bị lừa vì bỏ tiền ra mà không thu lại bất cứ giá trị nào.

60 biệt thự trái phép ở Ba Vì: 'Nên phá toàn bộ'

Xung quanh thông tin Hà Nội lập đoàn thanh tra sai phạm xây dựng gần 60 biệt thự trái phép ở khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, sáng ngày 8/3, chia sẻ với báo Đất Việt,  GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết:
"Tôi cho rằng ở dự án này phương án tốt nhất là nên xóa bỏ toàn bộ, đập tất cả những căn nhà đó đi, để trả lại cái không gian như trước khi sai phạm bởi vì lúc này chúng ta cần thực thi pháp luật một cách nghiêm túc. Còn việc ai đã mua những căn hộ đó thì việc mua đó cũng là bất hợp pháp. Chính vì vậy, mua đã bất hợp pháp thì họ phải chịu thôi, vì một việc pháp luật bảo không được làm mà họ lại làm."
GS Võ nói thêm: "Theo tôi, ta nên dừng việc áp dụng phạt cho tồn tại lại. Không nên áp dụng phạt cho tồn tại nữa mà cái gì trái pháp luật ở mức pháp luật không cho làm mà mình làm thì cần phải đập bỏ hết. Ví dụ như cách làm của Hà Nội với 8B Lê trực chẳng hạn, điều đó hoàn toàn chính xác là phải làm như vậy. Chính vì vậy, ở khu nghỉ dưỡng này, việc đập bỏ phải như vậy thì mới hết được sai phạm này".
Cùng ngày, ông Hoàng Thanh Ký - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho biết: "Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng do 1 chủ đầu tư là người Hà Nội làm. Công ty Thăng Long Xanh được chủ đầu tư này thuê xây dựng những căn biệt thự đó. Theo tôi được biết, thì chủ đầu tư này cũng không hẳn là 1 đại gia, anh này chỉ chuyên kinh doanh bất động sản"
Về vấn đề thanh tra xây dựng khu nghỉ dưỡng này, ông Nguyễn Đình Lan - Phó trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Ba Vì cho Đất Việt biết: "Chúng tôi đã triển khai kế hoạch, phân công mỗi người 1 việc để thanh tra khu nghỉ dưỡng này. Theo quy định, việc thanh tra khu này sẽ thực hiện trong 30 ngày làm việc, tuy nhiên nếu trong 30 ngày mà có nhiều vấn đề khó khắn phức tạp thì sẽ kép dài 45 ngày. Buổi làm việc đầu tiên, chúng tôi có mời chủ đầu tư đến, và tôi thấy anh này cũng có thái độ hợp tác cùng đoàn thanh tra"
Như thông tin báo chí đã đưa, chiều 8/3, Chánh thanh tra thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng công bố Quyết định thành lập đoàn thanh tra liên quan những vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng tại xóm Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông Nguyễn An Huy, Phó Chánh thanh tra thành phố làm trưởng đoàn và thời hạn thanh tra trong vòng 45 ngày.
Tại buổi giao ban báo chí thành ủy Hà Nội chiều cùng ngày, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay thành phố đã có văn bản chỉ đạo địa phương làm rõ việc 57 nhà vườn sai phép tồn tại nhiều năm trên núi Ba Vì.
Trước đó một ngày, đoàn kiểm tra của Sở đã trực tiếp xuống hiện trường. Kết quả bước đầu cho thấy, toàn bộ diện tích đất gần 5ha được dùng để xây dựng các nhà vườn do ông Nguyễn Thanh Ba cùng một nhóm cá nhân mua của các hộ dân ở đây.
"Việc các hộ dân tự ý mua bán, chuyển nhượng đất trái phép khi đất chưa có giấy chứng nhận, không được cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực là hành vi vi phạm điều 188 Luật đất đai", ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, các công trình trên đã bị UBND xã Yên Bài, Thanh tra huyện, UBND huyện Ba Vì thành lập các tổ công tác, kiểm tra, xử lý. "Tuy nhiên, đến nay tổ công tác chưa có báo cáo", ông Phong nói.

“Thách thức thiên tai sẽ thúc chuyển mô hình tăng trưởng”

“Vào những năm 1997-1998, chúng ta từng trải qua đợt El Nino mạnh kỷ lục, cường độ tương đương với đợt El Nino đang diễn ra từ cuối năm 2014, dự báo kéo dài đến giữa năm 2016. Nhưng ảnh hưởng của El Nino đợt này lên tới khoảng 20 tháng, dài hơn hẳn thời kỳ 1997 - 1998 và là dài nhất trong khoảng 60 năm qua”.

Với thông tin trên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều địa phương trong cả nước. 
 
Ông nói:

- Theo tổng hợp của chúng tôi, tính đến ngày 29/2, trong 13 tỉnh và thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, có 6 tỉnh đã công bố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn là: Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau. Trong đó, Cà Mau bị thiệt hại về lúa nặng nhất với hơn 49.000 ha… 

Dù vậy, chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm nay. 

Gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. 

Ở cấp độ quốc gia, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số lại càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai. 

Sự chuẩn bị của chúng ta trong nhiều năm qua, cụ thể là những gì, thưa ông?

Quan điểm của Đảng về phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10, 11; chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 - 2020…

Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Chúng ta còn có một luật riêng cho lĩnh vực này là Luật Phòng, chống thiên tai, được Quốc hội thông qua năm 2013. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia một loạt các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó khẩn cấp...

Có ý kiến cho rằng như với Nghị quyết 24 của Trung ương Đảng được ban hành gần 3 năm trước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nếu được thực hiện tích cực thì tình hình nay đã khác. Xin cho biết ý kiến của ông?

Tôi cho rằng cả hệ thống chính trị đều đã rất cố gắng trong việc đưa Nghị quyết 24 vào cuộc sống. Tất nhiên, ở một số nơi, trong nhận thức và tầm nhìn của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về công tác này chưa đầy đủ, thiếu thống nhất.

Song về tổng thể, tôi tin với cách triển khai và thực hiện tương đối mạnh mẽ trong những năm qua, thì những thách thức đến từ thiên tai, sẽ sớm chuyển thành cơ hội, mà như Nghị quyết 24 có chỉ ra - chính là tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.

Những mục tiêu cụ thể đến năm 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Nghị quyết 24 đề ra như việc chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung, trước hết là khu vực Tp.HCM, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác… có thể đạt được

Có một sự trùng hợp là giai đoạn 1997 - 1998 cũng là những năm khủng hoảng kinh tế tại châu Á và cả Việt Nam. Liệu giờ lịch sử có lặp lại, khủng hoảng kinh tế đi kèm El Nino, và trở thành nỗi ám ảnh “kép” của chúng ta?

Chúng ta vừa tiến hành thành công Đại hội 12 và Nghị quyết Đại hội đã có những đánh giá, phân tích toàn diện về cả thời cơ và thách thức đối với nền kinh tế.

Thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn. 

Dư luận quốc tế cũng đánh giá rất cao triển vọng kinh tế của nước ta sau Đại hội 12. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nếu đạt được các mục tiêu về GDP bình quân đầu người và tăng trưởng GDP đạt 7%/năm trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Ngân hàng Thế giới thì cho rằng với mức tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68%, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. 

Bloomberg thì bình luận, trong khi các nền kinh tế đang nổi trên thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang giảm tốc, mức tăng trưởng gần 7% mà Việt Nam đạt được trong năm 2015 sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. 

Xét trên bình diện khu vực và quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, không có cơ sở gì để cho rằng khủng hoảng kinh tế sẽ đi kèm El Nino để trở thành nỗi ám ảnh “kép”, như đã từng xảy ra cách đây gần hai thập niên.

Lo bất động sản “lâm nguy” vì sửa Thông tư 36

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) vừa lên tiếng về dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan hôm 24/2, VnRea nhấn mạnh, nội dung đáng chú ý của dự thảo là việc giảm mạnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản từ mức 150% hiện nay lên mức 250%.

Theo Chủ tịch VnRea Nguyễn Trần Nam, điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản mà còn tác động xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan và tác động xấu đến cả nền kinh tế. 

Do vậy, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chưa điều chỉnh Thông tư 36/2014 trong giai đoạn hiện nay, vì 4 lý do.

Thứ nhất, theo VnRea, thị trường bất động sản hiện nay đang phát triển theo xu hướng tốt, bền vững và đang có đóp góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh xã hội, ổn định xã hội.

Thứ hai, thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay đang được quản lý khá hiệu quả do rút kinh nghiệm từ các bài học trong quá khứ. Việc kiểm soát năng lực các doanh nghiệp bất động sản tốt hơn thông qua Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở với quy định nâng cao vốn pháp định của doanh nghiệp bất động sản từ mức 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Số lượng các doanh nghiệp lớn, có tính dẫn hướng thị trường đã xuất hiện ngày càng nhiều, tính chuyên nghiệp được nâng lên cao và các dự án thực sự hiệu quả.

Thứ ba, VnRea nhận định dư nợ tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế đang ở mức hợp lý, khoảng 360 nghìn tỷ đến 380 nghìn tỷ trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là 4 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng dưới 10%, trong khi đó, mức thông thường cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế là khoảng 15%.

Thứ tư, nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị còn rất cao, nhiều dự án vừa mới bắt đầu được hồi phục lại, ở nhiều địa phương, thị trường bất động sản còn khó khăn nhiều.

Trong khi đó, kênh vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản hiện nay là tín dụng ngân hàng. Khi hệ thống chính sách để phát triển các quỹ đầu tư bất động sản còn chưa có hiệu quả thì mọi động thái của ngân hàng đối với tín dụng cho bất động sản sẽ mang tính dẫn hướng quan trọng cho toàn thể thị trường.

“Nếu nội dung của Thông tư 36/2014 bị sửa đổi theo như dự thảo thì không chỉ thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực mà các ngành có liên quan, và sự phát triển, tăng trường chung của nền kinh tế cùng bị giàm sút nghiêm trọng”, văn bản của VnRea nhấn mạnh.

Cũng theo VnRea, trong giai đoạn trước đây, Việt Nam đã có một số bài học về điều chỉnh chính sách tín dụng đối với bất động sản gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Việc điều chỉnh này sẽ làm cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư mất lòng tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô.

Đặc biệt, việc điều chỉnh này sẽ làm tăng lại lượng tồn kho bất động sản, tăng dự án dở dang, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản… và giảm cơ hội có nhà ở của nhiều người dân.

Với thực tế đó, VnRea đề nghị Thống đốc Ngàn hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nghiên cứu không thực hiện việc điều chỉnh Thông tư 36/2014 như dự thảo đề xuất, để “đảm bảo sự ổn định và phát triển bển vững của thị trường bất động sản”.