“Thách thức thiên tai sẽ thúc chuyển mô hình tăng trưởng”

“Vào những năm 1997-1998, chúng ta từng trải qua đợt El Nino mạnh kỷ lục, cường độ tương đương với đợt El Nino đang diễn ra từ cuối năm 2014, dự báo kéo dài đến giữa năm 2016. Nhưng ảnh hưởng của El Nino đợt này lên tới khoảng 20 tháng, dài hơn hẳn thời kỳ 1997 - 1998 và là dài nhất trong khoảng 60 năm qua”.

Với thông tin trên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều địa phương trong cả nước. 
 
Ông nói:

- Theo tổng hợp của chúng tôi, tính đến ngày 29/2, trong 13 tỉnh và thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, có 6 tỉnh đã công bố thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn là: Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Cà Mau. Trong đó, Cà Mau bị thiệt hại về lúa nặng nhất với hơn 49.000 ha… 

Dù vậy, chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm nay. 

Gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. 

Ở cấp độ quốc gia, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số lại càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai. 

Sự chuẩn bị của chúng ta trong nhiều năm qua, cụ thể là những gì, thưa ông?

Quan điểm của Đảng về phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được thể hiện rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 10, 11; chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011 - 2020…

Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Chúng ta còn có một luật riêng cho lĩnh vực này là Luật Phòng, chống thiên tai, được Quốc hội thông qua năm 2013. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia một loạt các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó khẩn cấp...

Có ý kiến cho rằng như với Nghị quyết 24 của Trung ương Đảng được ban hành gần 3 năm trước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nếu được thực hiện tích cực thì tình hình nay đã khác. Xin cho biết ý kiến của ông?

Tôi cho rằng cả hệ thống chính trị đều đã rất cố gắng trong việc đưa Nghị quyết 24 vào cuộc sống. Tất nhiên, ở một số nơi, trong nhận thức và tầm nhìn của các cấp uỷ, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng về công tác này chưa đầy đủ, thiếu thống nhất.

Song về tổng thể, tôi tin với cách triển khai và thực hiện tương đối mạnh mẽ trong những năm qua, thì những thách thức đến từ thiên tai, sẽ sớm chuyển thành cơ hội, mà như Nghị quyết 24 có chỉ ra - chính là tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.

Những mục tiêu cụ thể đến năm 2020 về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Nghị quyết 24 đề ra như việc chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung, trước hết là khu vực Tp.HCM, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác… có thể đạt được

Có một sự trùng hợp là giai đoạn 1997 - 1998 cũng là những năm khủng hoảng kinh tế tại châu Á và cả Việt Nam. Liệu giờ lịch sử có lặp lại, khủng hoảng kinh tế đi kèm El Nino, và trở thành nỗi ám ảnh “kép” của chúng ta?

Chúng ta vừa tiến hành thành công Đại hội 12 và Nghị quyết Đại hội đã có những đánh giá, phân tích toàn diện về cả thời cơ và thách thức đối với nền kinh tế.

Thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn. 

Dư luận quốc tế cũng đánh giá rất cao triển vọng kinh tế của nước ta sau Đại hội 12. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nếu đạt được các mục tiêu về GDP bình quân đầu người và tăng trưởng GDP đạt 7%/năm trong giai đoạn 5 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Ngân hàng Thế giới thì cho rằng với mức tăng trưởng GDP năm 2015 đạt 6,68%, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. 

Bloomberg thì bình luận, trong khi các nền kinh tế đang nổi trên thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang giảm tốc, mức tăng trưởng gần 7% mà Việt Nam đạt được trong năm 2015 sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. 

Xét trên bình diện khu vực và quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, không có cơ sở gì để cho rằng khủng hoảng kinh tế sẽ đi kèm El Nino để trở thành nỗi ám ảnh “kép”, như đã từng xảy ra cách đây gần hai thập niên.