Quảng Ninh: Chính quyền tự ra quy định ''đặc thù''?

Với lý do, Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên cả thế giới chỉ có một, và để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, bảo vệ hình ảnh của Vịnh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành một số văn bản pháp luật để quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trong đó có một số quy định theo cơ chế “đặc thù riêng” của tỉnh dù chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Đó là Quyết định 3625/QĐ – UBND ngày 16/11/2015 có nội dung:“Đối với các trường hợp SGTVT đã đồng ý cho phép đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế sau thời điểm 18/3/2015 đang triển khi thi công: Yêu cầu SGTVT báo cáo UBND tỉnh xem xét từng trường hợp để giải quyết, chỉ cho vận chuyển khách du lịch, không cấp phép cho tàu ngủ đêm” và Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 quy định tạm thời về quản lý hoạt động tầu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có nội dung:“Tàu vỏ gỗ hoạt động đủ 15 (mười lăm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới và tàu vỏ sắt hoạt động đủ 25 (hai nhăm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới không được vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.” hay“ Đối với tàu đóng mới, sửa chữa lớn (chu kỳ kiểm tra 5 năm) phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước và tối thiểu 01 bình bột MFZ4 hoặc MFZ2 (ABC) cho các phòng ngủ của tàu”.
Ngay sau khi các văn bản này được ban hành đã gây bức xúc cho hàng trăm doanh nghiệp và làm “nóng” dư luận vì các quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, vi hiến, trái luật, thiếu nhân văn và đang bóp chết các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Lập tức, các doanh nghiệp đã đồng loạt có đơn kiến nghị và một số cơ quan báo chí vào cuộc nêu rõ những nội dung trái pháp luật mà chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã vi phạm. Đó là việc “bắt” tàu tham quan vỏ sắt, vỏ gỗ phải “chết sớm” hơn so với quy định của Chính phủ tại Nghị định 111/2014/NĐ – CP ngày 20/11/2014 từ 5 năm đến 10 năm (chưa kể niên hạn sử dụng được kéo dài theo quy định tại Điều 13 Nghị định này) và “bắt” các con tàu lưu trú đã đầu tư nhiều tỷ đồng phải thay đổi kết cấu để lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn vượt thẩm quyền, thiếu hiểu biết thực tế. Đó là việc, chính quyền không cấp phép ngủ đêm cho tàu lưu trú dù trước đó đã được Sở Giao thông vận tải đồng ý cho phép đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế sau thời điểm 18/3/2015.
Nhận lời mời tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ tàu du lịch, Văn phòng luật sư (VPLS) chúng tôi nhanh chóng vào cuộc làm việc với các cơ quan hữu quan, đồng thời hướng dẫn các chủ tàu kiến nghị đến các cấp thẩm quyền giải quyết vụ việc. Mặt khác, VPLS liên hệ với Tiến sỹ Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp nhờ giúp đỡ, và thông qua Ông chuyển các đơn thư, văn bản kiến nghị đến Cục kiểm tra văn bản. Bởi Tiến sĩ được báo giới mệnh danh là “ông tuýt còi” và là người luôn quan tâm, có kinh nghiệm xử lý các văn bản trái luật để giúp đỡ doanh nghiệp, người dân.
Sau khi nhận được đơn thư, văn bản kiến nghị của hơn 30 doanh nghiệp do Tiến sỹ Lê Hồng Sơn chuyển đến, Cục kiểm tra văn bản đã nghiên cứu, xem xét. Và ngày 25/02/2016 Cục kiểm tra văn bản đã tổ chức một cuộc họp tại Bộ Tư pháp với sự tham gia của nhiều Bộ, Nghành và các đơn vị có liên quan của Bộ Tư pháp nhằm phân tích làm rõ và đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật nói trên.
Theo thông tin nhận được, là tại cuộc họp, tất cả các đại diện tham gia đều thống nhất cho rằng, Quyết định 3625/QĐ – UBND ngày 16/11/2015 và Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 có nhiều nội dung vừa vi hiến, vừa trái các Luật và trái các quy định của Chính phủ, của các Bộ. Các ý kiến đều cho rằng, UBND tỉnh Quảng Ninh cần phải xử lý, hủy bỏ ngay các nội dung sai trái của hai quyết định này.